Như thông tin Thương Trường đã đăng tải tại bài viết: “Viên sủi Zextor quảng cáo “nổ” về công dụng là lừa dối người tiêu dùng Việt?” về việc TPBVSK Zextor của Công ty cổ phần dược phẩm OG Việt Nam đang có dấu hiệu vi phạm quảng cáo.
Để có thể tiếp cận được “túi tiền” của người tiêu dùng, đơn vị phân phối TPBVSK Zextor sử dụng chiêu trò, hình thức quảng cáo trá hình khi lập ra hàng loạt các website chứa đựng những thông tin quảng cáo vi phạm.
Hiện tại, các website: https://www.zextor.vn/, https://www.zextor-chinhhang.website/, https://zextorchinhhang.com/, https://www.shop-duocpham.online/, http://www.zextor-vietnam.com/, https://zextor3-vn.fastbuy.biz/, https://www.youtube.com/watch?v=C51CHxqxL6s, https://www.facebook.com/SuiZexTorChinhHang/ vẫn “ngang nhiên” quảng cáo sản phẩm TPBVSK Zextor một cách quá đà, quảng cáo chưa đúng về công dụng, gây hiểu nhầm có tác dụng chữa bệnh đối với người tiêu dùng, “thách thức” lực lượng chức năng.
Chỉ cần để lại thông tin, ít phút sau khách hàng sẽ được nhân viên tư vấn gọi đến đưa vào danh sách với ưu đãi “khủng”.
Chiêu trò quảng cáo “lách luật”…
Vào vai một khách hàng có nhu cầu sử dụng, PV để lại thông tin cá nhân (tên, số điện thoại, địa chỉ) tại khoảng 6 website đang quảng cáo TPBVSK Zextor nêu trên. Không phải chờ lâu, PV nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0397***188, từ một người tên Thanh Luyến xưng là nhân viên bán sản phẩm Zextor cải thiện sinh lý nam dạng viên sủi.
Bắt đầu cuộc trò chuyện, nhân viên này hỏi thăm về tình trạng hiện tại của PV, sau đó “bắt bệnh” và giới thiệu về công dụng, tác dụng của TPBVSK Zextor.
Nhân viên T.Luyến cho biết, PV là khách hàng đang được nằm trong ưu đãi của công ty, một hộp có giá ưu đãi là 790.000 đồng. Mua 2 hộp tặng 1 là 3, vừa đủ một quá trình ổn định chuyên sâu sau này trị rối loạn sinh lý.
Tuy vậy, PV là trường hợp khách hàng may mắn nên nhận được ưu đãi từ phía công ty và được hỗ trợ theo chương trình là 590.000 đồng/1 hộp, mua 2 hộp với giá 1.180.000 đồng sẽ được tặng 1 hộp.
Nhiều nhà thuốc đang có trên kệ hàng TPBVSK Zextor với mức giá 790.000 đồng, đắt gấp đôi giá trị khi mua tại các website quảng cáo vi phạm nêu trên.
Tức khoảng 394.000 đồng/1 hộp, chỉ bằng 50% giá thành được niêm yết tại hệ thống nhà thuốc, còn tại website: https://duocphamog.com/ – kênh bán hàng chính thức của Công ty CP dược phẩm OG Việt Nam không để giá thành sản phẩm TPBVSK Zextor.
Cùng một sản phẩm nhưng đang được bán với 2 mức giá khác nhau (590.000 đồng và 790.000 đồng). Thậm chí, có mức ưu đãi chỉ 1.180.000 đồng là đã được sở hữu 3 hộp Zextor. Chưa kể, những đơn vị nhập hàng số lượng lớn để kinh doanh online sẽ được chiết khấu cao. Người tiêu dùng khó tiếp cận được giá tốt nhất của sản phẩm Zextor sau khi vướng vào những thông tin quảng cáo trá hình.
Tiếp đó, khi PV tỏ ra hoài nghi về cuộc trò chuyện này: “chị gọi đến từ đâu vì tôi có để lại thông tin tại nhiều website quảng cáo sản phẩm Zextor” thì vị nhân viên tên T.Luyến liền giải thích: “Thông tin của anh chỉ đẩy về một website thôi ạ, vì phần mềm này bên em đưa thông tin quảng cáo lên trên mạng, khi anh đăng kí thông tin thì sẽ tự động đẩy về một cái thôi nhé”.
Lý giải rõ hơn, nhân viên T.Luyến chia sẻ: “Tức là, bên marketing sẽ đẩy lại số điện thoại của anh về, sau đó bọn em sẽ liên hệ theo database. Thực ra, các website đó, đều của bên em hết, công ty OG Việt Nam anh ạ”.
TPBVSK Zextor được nhân viên tư vấn giới thiệu là cải thiện sinh lý nam dạng viên sủi, nếu sử dụng đủ liệu trình 3 hộp sau này sẽ điều trị rối loạn sinh lý.
Khi PV mong muốn có thể đến công ty hoặc cửa hàng để mua sản phẩm trực tiếp do cần được tư vấn tốt hơn thì nhân viên tư vấn này cho biết, hiện bên em bán hàng trực tiếp từ nhà sản xuất và bán online.
Đây là số hotline của tổng đài bên em, còn em sẽ kết bạn với zalo để có thể tư vấn thêm về sản phẩm. Có vấn đề gì, anh có thể đến BT40, tại biệt thự 40 khu đô thị mới tại xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. Hoặc, địa chỉ: Tầng 12, số 102 Trần Phú, Hà Đông là trụ sở công ty em để xác thực.
Hiện sản phẩm Zextor của bên em không bán lẻ 1 hộp, mà bán đủ để khách hàng sử dụng 3 hộp sau này điều trị rối loạn sinh lý luôn. Sau khi đặt mua sản phẩm TPBVSK Zextor, khoảng 2 ngày sau, đơn vị giao hàng là Viettel Post đã trao đến tận tay khách hàng, miễn phí “ship”. Sản phẩm của Công ty CP dược phẩm OG Việt Nam nhưng được đóng gói bao bì có tên của Công ty CP dược phẩm trí lực Việt Nam.
Qua cuộc trao đổi với nhân viên bán sản phẩm TPBVSK Zextor được biết, những cuộc điện thoại tư vấn trực tiếp từ vị “bác sĩ online” này là từ địa chỉ số 40-BT4 Khu đô thị mới Cầu Bươu, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội.
Địa chỉ mà nhân viên tư vấn sản phẩm cung cấp và hộp đựng 3 sản phẩm TPBVSK Zextor đều “đưa” đến địa chỉ của Công ty cổ phần dược phẩm Trí Lực Việt Nam (40-BT4, KĐT mới Cầu Bươu, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì,TP.Hà Nội.
Tìm đến địa chỉ trên thì mới hay, đây là Công ty CP dược phẩm trí lực Việt Nam. Ghi nhận thực tế, tầng 2 có nhân viên đang làm việc, tại công ty này rất ít người ra vào, “cửa đóng then cài” và hoạt động kín đáo. Chỉ khi có nhân viên chuyển phát, giao đồ ăn mới có người mở cửa để nhận.
Được biết, TPBVSK Zextor được sản xuất bởi Công ty CP dược phẩm Fresh Life (Địa chỉ: Cụm CN An Xá, phường Mỹ Xá, TP.Nam Định), công ty này cũng từng sản xuất nhiều sản phẩm TPCN dạng viên sủi như Gluwhite, Rockman nhưng đến nay đã bị thu hồi.
Sản phẩm TPBVSK Zextor ra mắt thị trường vào tháng 11/2019, được phân phối và chịu trách nhiệm bởi Công ty CP dược phẩm OG Việt Nam (Địa chỉ: Tầng 12, Tháp C, tòa nhà Hồ Gươm Plaza, số 102 đường Trần Phú, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, TP.Hà Nội). Người đại diện pháp luật của công ty này là ông Nông Chí Hiếu.
…lừa dối người tiêu dùng.
Xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2000, ban đầu chủ yếu là TPCN nhập khẩu với 13 doanh nghiệp và 63 sản phẩm. Tính đến năm 2018, hơn 70% các sản phẩm TPCN lưu hành trên thị trường Việt Nam do các cơ sở sản xuất trong nước. Ngoài ra, có những doanh nghiệp Việt đã sản xuất TPCN xuất khẩu ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng sản phẩm TPCN cũng gia tăng nhanh chóng (lên đến gần 20 triệu người – thống kê đến năm 2017).
Thị trường TPCN trong nước chứng kiến sự gia tăng chóng mặt của các cơ sở sản xuất, các công ty phân phối TPCN đưa ra thị trường hàng nghìn sản phẩm. Giá TPCN rất đa dạng, từ vài chục, vài trăm đến cả triệu đồng đều có, tuỳ thuộc vào nhu cầu của người tiêu dùng.
Nhiều website đang quảng cáo sản phẩm TPBVSK Zextor chính hãng, “chào mời” khách hàng với các mức giá khác nhau.
Sự phát triển “thần tốc” và miếng bánh thị phần “màu mỡ” khiến nhiều doanh nghiệp tập trung vào sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.
Hiện nay, xuất hiện nhiều “nhà thuốc online”, nhiều website quảng cáo sản phẩm TPCN/TPBVSK một cách tràn lan, không đúng với giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm do Cục ATTP cấp, chưa quảng cáo đúng với quy định vẫn xuất hiện tràn lan và mọc lên “như nấm sau mưa”, nhiều đơn vị từng bị Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế phát hiện, nêu tên và xử phạt hành chính.
Việc nhiều website vi phạm được dựng lên thành một “ma trận” gây nhiễu loạn thông tin đối với người tiêu dùng. Khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, những công ty này lại không thừa nhận và chối bỏ trách nhiệm. Sau đó, một loạt các website khác lại mọc lên, với hình thức tinh vi hơn. Sự thật chiêu trò quảng cáo trá hình này người trong cuộc (nhân viên bán hàng) cho rằng đều do đơn vị bán hàng thực hiện.
Tuy vậy, để làm rõ cần có sự vào cuộc kiểm tra quyết liệt từ phía cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn những công ty kinh doanh vi phạm, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Đề nghị xử lý hình sự vi phạm về quảng cáo TPCN
Ngày 11/6/2020, Bộ Y tế – Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP) có gửi Văn bản 3220/BYT-ATTP tới các Bộ đề nghị triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo TPCN, TPBVSK thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ…
Bộ Y tế cho biết các hành vi vi phạm chủ yếu là quảng cáo TPCN như thần dược, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối như thuốc chữa bệnh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung, quảng cáo không đúng nội dung đã được xác nhận; quảng cáo lợi dụng lời nói, hình ảnh của giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ, bệnh nhân; quảng cáo không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”… là rất phổ biến.
Thậm chí, một số chương trình trên sóng phát thanh, truyền hình lạm dụng hoạt động tư vấn sức khỏe có sự tham gia của các giáo sư, bác sĩ, nghệ sĩ lồng ghép quảng cáo TPCN có nội dung vi phạm như trên.
Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo TPCN, trong đó đề nghị chấn chỉnh tình trạng các văn nghệ sĩ, diễn viên, người của công chúng tiếp tay cho hoạt động quảng cáo TPCN, TPBVSK vi phạm.
Tại văn bản số 3220/BYT-ATTP, Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Công an quan tâm chỉ đạo xử lý hình sự vi phạm về quảng cáo TPCN để răn đe hơn.
Theo Bộ Y tế, chỉ trong 5 năm trở lại đây, Bộ Y tế đã xử phạt trên 10 tỉ đồng tiền phạt vi phạm hành chính về quảng cáo TPCN. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn phổ biến, loại hình quảng cáo tinh vi và biến tướng, lạm dụng mạng xã hội và trang thông tin điện tử máy chủ ở nước ngoài.